Lâm Thao (xã)

Lâm Thao là một xã nằm ở phía nam huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh.Xã Lâm Thao được thành lập năm 1948 trên cơ sở các làng của tổng Lâm Thao, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc cũ.Địa giới hành chính của xã: nằm ở phía Nam của huyện Lương Tài và của tỉnh (điểm cực Nam của tỉnh Bắc Ninh thuộc về thôn Ngọc Quan); cách trung tâm huyện  Lương Tài 6 km, cách trung tâm tỉnh Bắc Ninh 30 km. Xã Lâm Thao phía Bắc giáp với xã Bình Định (cùng huyện), phía Nam giáp với xã Thạch Lỗi, Ngọc Liên (huyện Cẩm GiàngHải Dương), Phía Đông giáp xã Phú Lương (cùng huyện), phía Tây giáp với xã Cẩm Hưng (Cẩm Giàng – Hải Dương).Xã Lâm Thao có diện tích tự nhiên là 628,22 ha, trong đó có 344,01 ha đất canh tác; còn lại là đất thổ cư, sông ngòi và các công trình phúc lợi khác. Dân số hiện nay 6.885 người.Đây vốn là vùng đất trũng có nhiều đầm lầy, ao hồ, rừng rậm. Do vậy mà xa xưa vùng đất này được gọi là "Lâm Thao" (rừng và nước). Cũng chính ở vùng sông nước ấy từ lâu đã thu hút dân cư các vùng về sinh cơ lập nghiệp bằng nhiều nghề như: trồng lúa, chăn nuôi, đánh bắt thuỷ sản, buôn bán, làm thợ… tạo nên các làng xóm trong vùng Lâm Thao trù phú với nền văn hiến lâu đời. Vào thời vua Gia Long, vùng đất Lâm Thao được chọn là lỵ sở của huyện Lang Tài và đã được sách "Đại Nam nhất thống chí" ghi: "Lỵ sở huyện Lang Tài ở xã Kim Thao (thuộc tổng Lâm Thao), luỹ tre, chu vi 92 trượng".Đến thời Hậu Lê (thế kỷ XVII – XVIII), Lâm Thao đã nổi tiếng là một vùng trù phú và văn hiến với các làng cổ như: Xuân Lan (tên nôm là Sen, tên hiện nay là Ngọc Quan[1]), Bảo Tháp (tên nôm là Tháp, tên hiện nay là Kim Thao), Bảo Thao (tên hiện nay là Lâm Thao), Bảo Khám (tên nôm làng Khám, tên hiện nay là Ngọc Khám), Thái Trì (tên nôm làng Đìa). Ở huyện Lang Tài, các xã đều có phường hát, duy có phường hát ở làng Xuân Lan, các vở hát chèo được Lan Trì tiên sinh biên soạn nên có những lời lẽ và điệu hát đẹp, nhã[2].Sách Đồng Khánh dư địa chí cho biết tổng Lâm Thao là tiêu biểu nhất về học hành ở huyện Lương Tài[3].Hiện nay xã Lâm Thao  gồm 6 thôn: Kim Thao, Ngọc Khám, Lâm Thao, Nhiêu Đậu, Thái Trì, Ngọc Quan.

Liên quan